LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

TRƯỜNG THCS THỊ TRẤN PHƯỚC LONG

 

   Trường THCS thị trấn Phước Long được xây dựng trên khu vực trung tâm thị trấn phước Long, thuộc ấp Long Hậu, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Nơi đây là mảnh đất có truyền thống yêu nước và hiếu học. Vì vậy mà nền giáo dục đã được hình thành khá sớm để đáp ứng nhu cầu học tập của con, em nhân dân địa phương.

   Hiện tại trước mắt chúng ta là một ngôi trường THCS thị trấn Phước Long, khá sạch, đẹp và khang trang gồm 3 dãy lầu có 26 phòng kiên cố. Một khu hiệu bộ 8 phòng. Nhà kho, nhà xe, căn tin, hội trường, thư viện, các phòng thực hành, phòng nhạc, vi tính hầu như đầy đủ. Đặc biệt trường phủ 1 hệ thống camera khép kính quan sát toàn bộ nhà trường. Khuôn viên trường được tráng xi măng cao ráo, bồn hoa, chậu kiểng, cây xanh bóng mát khá đẹp. Hiện tại năm học 2019-2020 Nhà trường có 34 lớp gồm đủ các khối lớp 6, 7, 8, 9, với tổng số 1307 học sinh, và 75 cán bộ quản lí giáo viên nhân viên. Chất lượng dạy và học của trường không ngừng phát triển. Vị thế của trường ngày càng được khẳng định và được xem là điểm sáng của huyện đối với bậc học THCS. Tuy nhiên, để có được như ngày hôm nay, trường đã có nhiều thăng trầm và thay đổi theo vòng quay của bánh xe lịch sử với biết bao công sức của các thế hệ cán bộ, giáo viên, trong ngành giáo dục và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân địa phương.

   Nói về lịch sử hình thành của trường có thể chia thành hai thời kỳ:

  Thời kỳ trước năm 1975:

   Miền Nam dưới chế độ cũ, nền giáo dục đã được quan tâm nên trường phổ thông Cộng Đồng Cấp II đã được hình thành khá sớm.

  Từ những năm 1960 ngôi trường này tọa lạc tại Trung tâm văn hóa thiếu nhi huyện bây giờ, do thầy Nguyễn Thanh Bá quê ở Long An làm hiệu trưởng. Lúc này, trường chỉ có 2 lớp 6 gần 100 học sinh.

   Đến năm học 1964-1965 trường đã dời về ấp Long Hòa, thị trấn Phước Long hiện nay là Trường Mầm Non. Lúc đó trường có 6 lớp, từ lớp 6 đến lớp 9 với khoảng 300 học sinh.

   Đến năm học 1969-1970 trường phát triển lên 11 lớp: có 5 lớp 6, 3 lớp 7, 2 lớp 8 và 1 lớp 9. Tổng số học sinh khoảng 500 học sinh, dạy 2 ca sáng và chiều.

  Thời kỳ sau năm 1975:

   Kinh tế địa phương còn nghèo nàn, lạc hậu do hậu quả của chiến tranh để lại, trường phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ cán bộ giáo viên. Lúc này trường cấp I và II của thị trấn Phước Long được xác nhập và do thầy Nguyễn Ngọc Cừ làm hiệu trưởng. Đến năm 1978 thầy Cừ được điều về công tác tại Phòng Giáo Dục Huyện Phước Long nên Thầy Nguyễn Đăng Ninh quê ở Thái Bình làm hiệu trưởng. Trong thời gian này, phong trào giáo viên Miền Bắc tình nguyện vào Miền Nam để dạy học có sự phát triển mạnh, từ đó góp phần giải quyết được tình trạng thiếu thốn lực lượng giáo viên tại thị trấn cũng như huyện nhà.

   Chúng ta luôn luôn ghi nhớ những thế hệ thầy cô giáo đầu tiên vào Nam công tác như cô Trần Thị Như Hoa, Nguyễn Văn Bảng, Nguyễn Bá An, Trần Thúy Tình, Phạm Thị Thấn, Phạm Thị Hiên, Nguyễn Thị Thê, cô Trần Thị Thắm,… quý thầy cô hiện đã nghỉ hưu. Những thầy cô đã qua đời như Thầy Phạm Hà Thu, cô Trần Thị Khôi.

   Trong thế hệ quý thầy cô ấy hiện vẫn còn những thầy đang công tác tại trường ta như thầy Vương Văn Các, thầy Tống Đức Thoan…

   Đến năm học 1981-1982 thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ninh xin chuyển công tác về quê và thầy Trần Thanh Tòng làm hiệu trưởng. Lúc này trường lại được dời đến điểm mới mà bây giờ là Trường THPT Võ Văn Kiệt. Lúc đó, trường có 18 lớp với khoảng 700 học sinh gồm đủ 4 khối từ 6 đến 9. Cơ sở vật chất của trường lúc này chỉ có 1 dãy lầu 8 phòng, các phòng học còn lại đều bằng cây lá tạm bợ. Trong thời gian này kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, đời sống giáo viên thiếu thốn do đồng lương rất hạn chế. Tuy nhiên quý thầy cô mà đặc biệt là quý thầy cô được tăng cường từ ngoài Bắc vào Nam vẫn kiên trì bám trường, bám lớp và duy trì được công tác giảng dạy.

   Đến năm 1988-1989 thầy Trần Thanh Tòng xin nghỉ nên thầy Trần Văn On làm hiệu trưởng. Cũng kể từ năm học này số thầy cô được đào tạo từ trường CĐSP Bạc Liêu ngày càng được tốt nghiệp và ra trường khá đông và cũng được phân công giảng dạy tại đây.

   Đến năm 1991 Trường Phổ Thông Cấp II và Cấp III Phước Long được sát nhập, lúc này thầy Nguyễn Hà Thạch ( quê ở Thái Bình) được điều từ trường Bồi Dưỡng Huyện Hồng Dân về Trường Phổ Thông Cấp II, III Phước Long làm hiệu trưởng. Đồng thời thầy Trần Văn On cũng về Phòng Giáo Dục công tác.

   Trong thời gian này, do số học sinh cấp II tăng nhanh cho nên vào năm học 1994-1995 Trường THCS TT Phước Long được thành lập song song với trường Phổ Thông Cấp II, III Phước Long. Ban đầu cơ sở của trường vô cùng thiếu, nơi đây vốn là cơ sở của trạm điện lực và  khu tập thể của công nhân viên huyện, nền đất chũng thấp, chung quanh có nhiều ao đìa, cỏ cây hoang sơ…Khi mới thành lập trường chỉ có 2 lớp 6 do thầy Nguyễn Thanh Hà làm hiệu trưởng. Những thầy cô đầu tiên tại đây gồm: Thầy Nguyễn Đức Giang, thầy Nguyễn Văn Hiến, thầy Nguyễn Văn Khải, thầy Ngô Văn Sung, thầy Lê Văn Lữ, thầy Bùi Văn Sáng, thầy Trần Quốc Hương … cô Lại Thúy Nhẫn,  cô Lâm Tú Mẫn, cô Trương Thị Vạn,  cô Dương Kim Thủy,…

   Đến năm học 2001-2002 Trường Phổ Thông Cấp II, III Phước Long tách bộ phận Cấp II để sát nhập với Trường THCS thị trấn Phước Long. Vì vậy trường quá tải về số lượng học sinh nên phải mượn điểm trường Cấp III và Tiểu Học C để học tạm. Trước tình hình đó, được sự quan tâm của Đảng Ủy, Ủy ban nhân dân, chính quyền địa phương và nhân dân thị trấn nên trường được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang theo hướng đạt chuẩn quốc gia.

   Đến năm 2002 thầy Nguyễn Thanh Hà về phòng giáo dục công tác nên thầy Đinh Xuân Thái nguyên là hiệu trưởng trường THCS Hưng Phú về đây làm công tác quản lý. Năm 2004 trường được đầu tư xây đựng khá hoàn thiện về mọi mặt. Chất lượng giảng dạy không ngừng phát triển. Năm học 2005-2006 trường có 39 giáo viên được UBND Huyện tặng giấy khen, có 20 giáo viên được Sở GD Bạc Liêu khen là chiến sĩ thi đua cơ sở. Số lượng học sinh giỏi ngày một tăng.

   Vào tháng 7 năm 2006 trường danh dự được UBND Tỉnh Bạc Liêu quyết định công nhận Trường THCS thị trấn Phước Long là trường đầu tiên của Huyện Phước Long, và là trường thứ 3 của tỉnh Bạc Liêu đạt danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2006-2010.

   Năm 2008 thầy Đinh Xuân Thái trở về trường THCS Hưng Phú giữ chức vụ hiệu trưởng nên thầy Phạm Văn Bảy được phân công làm hiệu trưởng trường này.  Đến tháng 7 năm 2015 thầy Phạm Văn Bảy về Phòng GD công tác, cô Nguyễn Thị Thanh Tú được phân công làm hiệu trưởng cho đến nay.

   Chúng ta không thể nào quên những khó khăn, thiếu thốn của những ngày mới thành lập trường. Các thầy cô đã gắn bó với nghề, xem nơi đây là quê hương thứ hai, cống hiến công sức và trí tuệ của mình: “vì học sinh thân yêu”, thầy cô không ngại khó khăn, gian khổ, quyết tâm gắn bó dưới mái trường thân yêu  với “sự nghiệp trồng người”, hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

   Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường ngày càng lớn mạnh, giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn vững vàng, đạt chuẩn và trên chuẩn,  đáp ứng đúng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Nhiều thầy, cô giáo đạt thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh như: Thầy Hoàng Đức Hiền, thầy Nguyễn Công Luận, thầy Bùi Văn Sáng, cô Nguyễn Thị Mỹ Nương, cô Lê Thuý Hiền, cô Nguyễn Thị Kim Thiêu, cô Lê Ngọc Hân, cô Nguyễn Thị Huỳnh Kiều, thầy Đỗ Văn Chất,  cô Nguyễn Kim Chi, cô Trần Phạm Hiếu Hạnh, Thầy Nguyễn Quốc Tùng, Cô Nguyễn Thị Bích Huệ, cô Quách Mỹ Thanh, Thầy Nguyễn Văn Nghiệp, cô Nguyễn Ngọc Dung, cô Lâm Ngọc Dung, cô Trương Thúy Hằng, cô Dương Kim Thủy,  cô Lê Ngọc Yến,…

   Nhiều thầy cô đạt thành tích xuất sắc trong các cuộc thi giáo viên giỏi vòng huyện điển hình như: cô Nguyễn Ngọc Dung, cô Lâm Ngọc Dung, cô Nguyễn Diệu Thảnh, Thầy Nguyễn Văn Nghiệp, cô Trương Thị Vạn, cô Trương Kiều Trang, thầy Trần Văn Duy, cô Nguyễn Kim Chi, cô Trần Phạm Hiếu Hạnh, cô Nguyễn Thị Bé Tư, Cô Nguyễn Thị Bích Huệ, cô Võ Ngọc Trúc, thầy Trần Võ Hồ, thầy Châu Bình Ngự, cô Phạm Kim Duyên, Cô Nguyễn Thị Sầu Riêng, thầy Phạm Hoàng Diễn, thầy Nguyễn Công Luận, thầy Nguyễn Văn Hiến,… Trong đó có các thầy cô đạt thành tích xuất sắc trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh điển hình như: Thầy Nguyễn Công Luận, thầy Hoàng Đức Hiền, cô Lâm Ngọc Dung, cô Nguyễn Diệu Thảnh, thầy Nguyễn Văn Nghiệp, cô Võ Ngọc Trúc,…

   Năm học 2014- 2015 Trường THCS thị trấn Phước Long được sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu, chọn dạy thí điểm lớp chất lượng cao, đến nay nhà trường đã duy trì được 6 năm liền. Hiện trường có 8 lớp đang học thí điểm lớp chất lượng cao.

   Trong công tác giáo dục, nhà trường luôn lấy chất lượng dạy và học là mục tiêu trọng tâm. Đặc biệt là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu luôn được nhà trường quan tâm, chú trọng. Ngoài phần thưởng xứng đáng bằng vật chất cho học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Năm học 2017 - 2018 nhà trường tổ chức cho học sinh đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cấp tỉnh được đi tham quan học tập tại Huế, Đà Nẵng.  Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển chọn những nhân tố học sinh giỏi vào trường THCS thị trấn Phước Long nhưng hàng năm, nhà trường luôn có nhiều học sinh đạt các môn văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh nhất là những năm gần đây:

   - Năm học 2017 - 2018: Nhà trường có 9 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Cấp huyện lớp 9: có 24 em học sinh đạt giải; lớp 8: có 27 học sinh đạt giải.

   - Năm học 2018 - 2019: Nhà trường có 9 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Cấp huyện lớp 9: có 28 học sinh đạt giải; lớp 8: có 40 học sinh đạt giải. Ngoài ra các phong trào thể dục thể thao đạt nhiều giải: Nhất, giải nhì cấp tỉnh. Tin học trẻ cấp tỉnh:  đạt 2 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải khuyến khích.

   Ngoài ra, nhà trường còn duy trì phụ đạo học sinh yếu, kém. Thường xuyên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá sát với đối tượng học sinh.      

   Nhà trường hiện có sáu tổ chuyên môn tích cực nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn. Tổ chức hiệu quả các tiết thao giảng có ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Đồng thời tận dụng mọi nguồn lực mua sắm thêm trang thiết bị dạy học, ngoài những trang thiết bị đã được cấp, giáo viên làm thêm đồ dùng dạy học nhằm đáp ứng tốt nhất cho chất lượng dạy và học. Vì thế chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Duy trì sĩ số học sinh, tỷ lệ chuyên cần 98%, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi từ 40 %, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực yếu, kém dưới 5 %, tỷ lệ tốt nghiệp đạt trên 97%. Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục bậc THCS.

   Song song với việc học tập văn hóa, nhà trường luôn tổ chức cho học sinh làm vệ sinh, chăm sóc bồn hoa,… Giáo dục học sinh yêu lao động, yêu cuộc sống, biết trân trọng sức lao động của người khác, biết giữ gìn vệ sinh chung. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm giáo dục các em lòng yêu nước, truyền thống dũng cảm, kiên cường bất khuất dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Truyền thống đoàn kết, hiếu học, tôn sư trọng đạo,… Để giáo dục học sinh tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, hình thành Kỹ năng hoạt động xã hội và kỹ năng sống cho các em.

   Nhà trường tổ chức 4 đợt thi đua/năm học, các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian,… được tiến đều đặn hàng năm giúp các em có sân chơi bổ ích, bồi đắp lòng yêu mái trường, bạn bè, thầy cô, tình yêu quê hương, đất nước,... tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn trường, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học. Từ đó, các em nhận thức được rằng thầy, cô giáo, nhà trường, cha mẹ và xã hội luôn quan tâm đến các em, luôn quan tâm đến thế hệ mầm non của đất nước.

   Bên cạnh tạo cho các em những sân chơi lí thú, nhà trường luôn giáo dục các em tình yêu thương, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong học tập, trong cuộc sống, biết chia sẻ những bạn gặp hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, thu hút được sự quan tâm, đồng tình của học sinh và phụ huynh. Từ những hoạt động đó, thực sự tạo ra một môi trường học tập, sinh hoạt đoàn kết, nhân ái, thân thiện.

   Công tác xây dựng Đảng, xây dựng đoàn thể vững mạnh luôn được tập thể Ban giám hiệu và cán bộ, giáo viên nhà trường chú trọng thực hiện. Nhờ vậy Chi bộ Đảng nhà trường nhiều năm liền đạt “Chi bộ trong sạch – Vững mạnh”. Công đoàn nhà trường liên tục đạt Công đoàn vững mạnh của huyện.

   Nhà trường luôn xác định công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đội ngũ cán bộ, giáo viên vững vàng về chuyên môn – nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức lối sống, lành mạnh trong quan hệ ứng xử, thân ái trong tình đồng nghiệp thật sự là đội ngũ đoàn kết, thống nhất, phát huy được sức mạnh tập thể.

   Trước mắt các em là một ngôi trường THCS thị trấn Phước Long: Khang trang, sạch đẹp, cơ sở vật chất đầy đủ, đội ngũ giáo viên năng động, đạt chuẩn và trên chuẩn. Quy mô trường lớp ổn định, chất lượng đào tạo chuyển biến tích cực, vị thế Nhà trường ngày càng được khẳng định.

   Trên đây, trường THCS thị trấn Phước Long chỉ điểm lại một số bước chuyển mình trong vô vàn khó khăn, nhưng đầy tự hào, để mỗi khi nghĩ về mái trường, mỗi chúng ta hôm nay và mai sau đều phải biết giữ gìn, phát huy truyền thống cao đẹp đó, đồng thời quyết tâm khắc phục những hạn chế, không ngừng phấn đấu, cùng nhau xây dựng ngôi trường của chúng ta ngày càng phát triển./.